Friday, September 25, 2009

Education

Họp phụ huynh bên xứ… Mỹ
19/09/2009 05:46 (GMT + 7)
(TuanVietNam) - Quả thật, lúc đầu tôi nghĩ đi họp phụ huynh thì chán lắm, lại chuyện thu tiền nong, đóng góp. Nhưng suốt cả buổi, nhà trường chỉ tập trung vào nội dung làm thế nào để cùng gia đình đưa đứa con đến đích vào năm học tới. Tôi đã bỏ hẳn 2 giờ để dự cả hai lớp (1 và 3) cho hai ông con vì thấy “đại hội” PTA này thú vị.
Trong đời bạn thích họp phụ huynh học sinh không? Chắc ít ai muốn, vì đến là phải đóng góp, xin xỏ, nói khó vì con mình hư. Nhà tôi có hai thằng cu đi học (lớp 3 và lớp 1), bố mẹ đùn đẩy, đành bốc thăm. Bố nó thua nên vác máy ảnh đi… tác nghiệp và xem dân Mỹ dạy dỗ con cái thế nào.
Mùa thu vàng của lớp 1
Các “ông” con đi học
Lũ con nhà tôi suốt mùa hè này không được đi đâu, vì bố đi công tác liên miên. Thằng lớn luôn hỏi, bao giờ con đi học. Với chúng, trường lớp là cái gì đó thân thương, xa mấy tháng hè như đã lâu lắm.
Cháu Hồng Hạnh, con gái anh Đặng Hoàng Duy, đồng nghiệp World Bank ở Washington DC, học xong lớp 5 ở Hà Nội, sang đây cháu vào lớp 6, trước đó cháu đã học mấy năm ở DC. Dự khai giảng về, cháu hỏi: “Bố có thấy ngày khai trường ở đây khác ta thế nào không?”.
Nghe cháu giải thích, anh không khỏi ngạc nhiên: “Ở Mỹ ngày khai trường là ngày hội, bố ạ. Sau một kỳ nghỉ hè dài, ai cũng mong được tới trường nên cười rạng rỡ. Cô trò gặp nhau như mẹ con. Ở VN ta thì…mùa hè vui vẻ đã qua, sắp tới phải đến trường”. Cháu nhấn mạnh hai chữ “phải” và “được” rất rõ.
Anh Duy giật mình vì so sánh của con gái mình- một học sinh lớp 6 về hai cách “trồng người”. Một nơi cho ra lò rất nhiều em văn hay, chữ đẹp, nhiều giải quốc tế. Một nơi học sinh rất kém tính nhẩm, chữ như gà bới, nhưng ra đời có nhiều giải Nobel.
Với bố mẹ, khai trường lại là ngày… hạnh phúc vì các con đến trường để cô giáo lo. Suốt mấy tháng hè, cả nhà tôi tranh cãi ai nghỉ phép để trông con. Riêng chuyện này, bố mẹ từ tây đến ta, ở đâu cũng giống nhau.
Hội Phụ huynh (PTA)...
The Parent Teacher Association (PTA) tạm dịch là Hiệp hội Phụ huynh và Giáo viên. PTA không thuộc tổ chức đảng phái, nhà nước hay tiểu bang, mà hoạt động hoàn toàn độc lập, có khả năng vận động hành lang vươn tới Quốc hội Mỹ nhằm tranh đấu quyền lợi cho học sinh và trường sở.
Một buổi họp phụ huynh
Thoạt nhìn, có thể nghĩ, PTA gồm toàn những bà nội trợ, ở nhà trông con để chồng đi làm, ngồi với nhau trao đổi cách thức làm bánh hay rỉ tai mua hàng hạ giá. Trong thực tế, PTA có nhiều việc quan trọng hơn bếp núc. Hoạt động của PTA hướng tới xây dựng quan hệ gắn bó giữa phụ huynh, giáo viên và nhà trường với mục tiêu cuối cùng “vì quyền lợi của học sinh”.
Đại loại như bên ta, công nhân có công đoàn, tuổi trẻ có Đoàn TN, trường học có...PTA. Người tham gia hoạt động cho PTA không ăn lương, mà theo kiểu “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”.
Hội Phụ huynh có đóng góp không? Đương nhiên, có thực mới vực được đạo. Chẳng nhà nước nào đủ “sữa” để chi cho các tổ chức xã hội. Phí thành viên 5$/ người/ năm (lương tháng khoảng 2000$ cho người lao công). Nhà tôi có hai ông con, đóng 5$ hay 10$ đều được, ai giàu đóng hàng trăm đô.
Phí đó dùng cho các hoạt động “chào mừng” như học sinh được giải cao, biết ơn giáo viên vào ngày lễ, hội thảo về cách dậy dỗ con cái trong nhà, các buổi nói chuyện mời chuyên gia cao cấp, xây dựng website, in ấn tài liệu. Cuối năm, PTA đưa ra thông báo chi tiêu công khai.
Nhiều PTA địa phương tranh thủ được sự đóng góp rất lớn của những phụ huynh giầu có. Có tiền, PTA có thể can thiệp với trường là nên dạy môn ngoại khóa nào thích hợp vì PTA có thể trang trải chi phí, hoặc thay đổi chương trình giảng dạy tốt nhất cho con em
... Và họp phụ huynh
Trường của hai đứa con tôi có 630 học sinh từ 43 nước và nói 27 thứ tiếng, gọi là trường quốc tế cũng không ngoa. Vào phòng họp, thấy một bác Việt kiều ngồi bàn phiên dịch cho những phụ huynh VN yếu ngoại ngữ. Tiền thuê phiên dịch do PTA trả.
Khi vị chủ tọa hỏi là ai là người mới “di cư” đến vùng này, hơn nửa phòng giơ tay. Thật lạ, dân Mỹ di chuyển nhà từ vùng này sang vùng khác như mình đi xe máy ra Bờ Hồ. Khó mà xin “học trái tuyến” vì con học ở đâu theo ZIP CODE (mã vùng của bưu điện) theo địa chỉ nhà ở.
Đoán xem tôi là ai?
Vào đầu năm học, thường có “đại hội” PTA. Bà hiệu trưởng phát biểu ngắn gọn và mời các thầy cô lên “sân khấu” cho phụ huynh biết mặt. Rất lạ, toàn cô giáo, có mấy cô xinh như hoa hậu. Hội trường chật ních các phụ huynh.
Từng cô đứng ra trước mic và tự nói về mình trong vòng 15 giây. Mấy chục cô tự “PR” trong 5 phút, xong màn chào hỏi. Trình độ nói trước công chúng (public speaking) của những giáo viên này thuộc đẳng cấp quốc tế, rất tự tin và hòa nhã.
Càng tự lập sớm càng tốt
Màn tiếp theo là mời bố mẹ về lớp cô chủ nhiệm họp. Bố mẹ được xếp vào chỗ của con mình hàng ngày vẫn ngồi. Trên đó có tên con, tập tài liệu về chương trình học, thời khóa biểu, vài tờ rơi và…bức thư của “ông con” gửi chính bố mẹ mình.
Trước cửa lớp 3 là danh sách lớp và tờ tự giới thiệu rất PR của lũ học trò. Thôi thì đủ kiểu. Ví dụ, “Tôi có em trai 6 tuổi, tôi năm nay 8 tuổi, tóc đen và ngắn. Tôi thích kẹo không ngọt vì sợ béo. Đố biết tôi là ai”. Mới đọc cứ tưởng con trai nhà mình, nhưng nét chữ lại là lạ. Tìm mỏi mắt mới ra nét chữ gà bới quen quen.
Cô giáo giới thiệu rất kỹ về chương trình học tập trong năm, mục tiêu cuối năm, cách trao đổi giữa bố mẹ và giáo viên. Cách chấm điểm O-Outstanding, G-Good, S-Satisfied, N-Need Improvement (xuất sắc, khá, đạt và cần cố gắng) cũng được giải thích rất kỹ. Cô nhấn mạnh, S là hoàn toàn thỏa mãn yêu cầu của lớp. Từ lớp 3 trở đi, O và G sẽ rất hạn chế vì sợ các trò, bố mẹ đua nhau “học vì điểm”.
Giáo viên hướng dẫn nguyên tắc làm bài tập ở nhà của trẻ cho các phụ huynh
Ở nhà cần 30 phút đọc sách buổi tối và có ghi chép lại đầy đủ những sách đã đọc. Đó là một thói quen quan trọng của đứa bé. Bài tập về nhà không quá 30 phút với lớp 3, lớp 1 chỉ cần 20 phút. Còn lại các cháu nên được đi ra ngoài, đi công viên, đi xe đạp. Học nhiều quá sẽ mụ đầu.
Cô khuyên, bố mẹ cần nói chuyện với con càng nhiều càng tốt. Có đứa trẻ đến lớp được hỏi, cuối tuần em làm gì. Cu cậu ngắc ngứ không trả lời được, vì chỉ nói: “Em đến shopping mall rồi về”. Shopping chỗ nào cũng không biết, chỉ nhớ chỗ đó nhiều quần áo, hình nộm, rộng mông mênh. Lời khuyên của cô, đưa con đi mua sắm thì cũng nên nói là ở đâu, mua cái gì và tại sao. Đó là tập cho con kỹ năng nhớ, kể hay viết lại.
Trên tường là nội qui của lớp do chính tập thể học sinh trong lớp viết ra. Chúng tự nghĩ ra luật lệ, cách phạt và ký tên ở dưới. Lời thề danh dự này được treo cho đến cuối năm học. Mỗi lớp có lời thề "chui ống" khác nhau. Không lớp nào giống lớp nào. Tự ra luật và tự chịu trách nhiệm.
Điều cuối cùng là cô mong, bố mẹ nên dạy con tự làm lấy mọi việc. Nhà trường sẽ rất vui khi thấy các em tự buộc dây giầy, mặc quần áo, gấp jacket, đề tên vào balo hay biết đánh răng. Càng tự lập sớm càng tốt, đó là cách dạy các em nên người ngay từ bé.
Gia đình tôi cũng như hề, lũ trẻ khi cười nắc nẻ, lúc khóc tấm tức. “Nổi điên” lên có lúc cũng muốn bay về HN học cho sướng. Kém, đưa cái phong bì ra là được Oustanding ngay. Nhưng nghĩ đến cái nóng hầm hập, không điều hòa, ngày khai trường ít nụ cười, đưa con đến lớp như đánh vật vì chúng đâu có thích học, lại nhắm mắt... đưa chân.
Lời kết
Quả thật, lúc đầu tôi nghĩ đi họp phụ huynh thì chán lắm, lại chuyện thu tiền nong, đóng góp. Nhưng suốt cả buổi, nhà trường chỉ tập trung vào nội dung làm thế nào để cùng gia đình đưa đứa con đến đích vào năm học tới. Tôi đã bỏ hẳn 2 giờ để dự cả hai lớp (1 và 3) cho hai ông con vì thấy “đại hội” PTA này thú vị.
Cả hai lớp, tôi cũng viết trên tờ giấy nhỏ rằng, bố đã đến lớp con, ngồi vào ghế của con, gặp cô giáo tuyệt vời và mong con học giỏi. Bức “tâm thư” ấy sẽ được hai đứa đọc vào sáng hôm sau trên lớp.
Viết đến đây, tôi bỗng nhớ tới bài “Lạm thu tiền trường hay quản lý giáo dục “lờ” luật” được đọc mới đây mà thấy bùi ngùi…

Thursday, September 17, 2009

Tien si Viet Nam

"Chuyên gia nước ngoài rất kinh ngạc khi thấy đa phần vụ trưởng, thứ trưởng, bộ trưởng của Việt Nam là tiến sĩ. Tôi không dám cho họ biết là các tiến sĩ thuộc lĩnh vực gì vì đa số là tiến sĩ ma sát bôi trơn, vật lý, chế tạo dao cắt... Nếu biết thì không hiểu họ sẽ kinh ngạc thế nào. Vì điều này trên thế giới chỉ có ở Việt Nam. Đào tạo một đường, đi làm một nẻo", bạn đọc Trần Tân (Hà Nội) viết.
Ảnh minh họa: website ĐH Kinh tế quốc dân Là người có thâm niên làm việc ở nước ngoài, anh Trần Tân cho hay, nếu chuẩn hóa cán bộ thành ủy quản lý phải có bằng tiến sỹ thì Việt Nam là nước độc nhất vô nhị trên thế giới có kỷ lục này.
Tiến sĩ không mon men chuyện chức tước
Theo anh Tân, chỉ cần lấy số liệu trình độ cán bộ quản lý nhà nước của các thành phố Singapore, Bangkok, Tokyo, London, Whasington DC là đủ biết tiêu chuẩn này có khoa học không.
"Tiến sỹ là người thuộc những chuyên ngành hẹp về các lĩnh vực nghiên cứu. Trong lĩnh vực quản lý nhà nước trình độ tiến sỹ, thạc sỹ có số lượng rất hạn chế, chủ yếu giảng dạy trong các trường về chính sách công. Thật nực cười khi tiến sỹ sẽ là cục trưởng cục thuế, giám đốc sở thể dục thể thao, giám đốc sở nông nghiệp và phát triển nông thôn", anh Tân phân tích.
Bạn đọc Danny Nguyen (Úc) cũng góp chuyện, ngay một quốc gia có nền giáo dục tiên tiến đứng hàng thứ ba trên thế giới như Úc nhưng khoảng 300 năm nữa lãnh đạo, cán bộ ở các bang còn chưa dám nghĩ tới đội ngũ của mình sẽ có 50% đạt trình độ tiến sỹ.
Ý tưởng phải chọn lãnh đạo trình độ tiến sĩ trở lên vì chỉ tiến sĩ mới có tư duy đột phá đã làm dấy lên cuộc tranh luận sôi nổi giữa các độc giả tiến sĩ lẫn những người đang là cử nhân, thạc sĩ... Điều quan trọng là cần phân biệt người có chuyên môn sâu (có thể lấy thước đo học vị) và người làm quản lý.
Theo TS Vũ Anh (ĐH Kiến trúc Hà Nội), những cán bộ do thành ủy quản lý đều là cán bộ lãnh đạo cấp trưởng, phó các sở, ban ngành cấp thành phố, lãnh đạo chủ chốt quận, huyện.
Họ đều là những nhà lãnh đạo chính trị. Thước đo đánh giá họ là phẩm chất chính trị, phẩm chất lãnh đạo, với tầm nhìn bao quát, biết tập hợp quần chúng... Như vậy thì họ cần có tư duy đột phá mà không nhất thiết phải có trình độ tiến sĩ.
Trong khi đó, để đạt học vị tiến sĩ đòi hỏi phải có trình độ chuyên sâu trong một lĩnh vực nghiên cứu.
TS Vũ Anh phân tích, người có chuyên môn giỏi chưa hẳn đã là lãnh đạo giỏi. Song ý kiến của họ rất cần thiết để giúp các nhà lãnh đạo hoạch định chính sách.
Việc "Hà Nội phấn đấu có 100% cán bộ diện Thành ủy quản lý có trình độ tiến sĩ", theo ông Vũ Anh, có lẽ sẽ khiến Hà Nội đạt kỷ lục guiness thế giới về việc có số tiến sĩ làm lãnh đạo.
Không chỉ ông Vũ Anh, nhiều tiến sĩ khác cũng cho rằng không có cơ sở khoa nào cho việc đặt ra mục tiêu "có một không hai" như trên.
Những người đạt học vị tiến sĩ chân chính theo đuổi mục tiêu nghiên cứu khoa học chứ không phải mon men chuyện chức tước.
Theo bạn đọc Danny Nguyễn, người chuyên tâm nghiên cứu khoa học và người làm công tác quản lý, công chức rất khác nhau.
"Những tiến sĩ đích thực thường không hợp với diện Thành ủy và UBND muốn quy hoạch, vì để bảo toàn giá trị thật sự của học vị, người đó phải không ngừng học tập, nghiên cứu trao dồi kiến thức, kỹ năng và tư duy thông qua hội nghị, hội thảo, nghiên cứu... Điều này làm sao có được vì khi thuộc diện quy hoạch Thành ủy, họ đã mất 80% thời gian cho hội họp, học nghị quyết", bạn đọc Danny Nguyễn phân tích.
Trong khi các vị tiến sĩ chỉ am hiểu một vài lĩnh vực chuyên sâu thì đội ngũ cán bộ công chức trong quy hoạch của thành ủy phải là những người có cái đầu tổng hợp, phân tích và đề xuất quyết định. Thậm chí, họ chỉ cần năng lực ứng dụng một cách linh động, khoa học những đột phá của người khác đã là quá đủ.
Luận văn tiến sĩ có gì mới?
Nhiều bạn đọc lo ngại tư duy chọn cán bộ như vậy sẽ chỉ dẫn đến cuộc chạy đua bằng cấp. Các tiến sĩ thay vì tận tâm nghiên cứu khoa học lại sẽ xem "tiến sĩ" là bàn đạp để thăng tiến. Nếu không thay đổi não trạng "sính" bằng cấp thì các chiến lược cán bộ ngắn hay dài hạn đều vô nghĩa. Chưa kể, bằng tiến sĩ ở Việt Nam liệu đã được thế giới công nhận hay chưa?
"Ở tỉnh, huyện tôi hiện nay, không ít vị chỉ có tấm bằng cử nhân tại chức nhưng rồi không hiểu xoay xở thế nào, vẫn có bằng tiến sĩ kinh tế, tiến sĩ nông nghiệp... Thử hỏi nếu trông chờ các vị ấy đột phá thì đột phá cái gì?", bạn Minh Sơn (Hải Phòng) nêu ý kiến.
Còn theo độc giả Nguyễn Hùng (Thanh Hóa), ở nhiều cấp chính quyền hiện nay đang có chuyện "đẽo chân cho vừa giày".
Bởi, hễ cứ đặt ra tiêu chuẩn gì thì sẽ có loại hình đào tạo tương ứng. Cán bộ cần hợp thức hóa trình độ cử nhân thì lập tức loại hình đào tạo đại học tại chức sẽ được mở ngay ở địa phương. Để có thạc sĩ cũng như vậy.
"Một phó chủ tịch huyện có trích ngang sau: học xong cấp 2, thêm hai năm bổ túc, 3 năm cao đẳng nông lâm tại chức ở trung tâm giáo dục thường xuyên. Và hiện nay thì đang theo học ĐH Nông lâm tại chức. Nếu ghế của ông đòi hỏi trình độ cao hơn thì ta có dám tin là sẽ không thể có thạc sĩ tại chức hay tiến sĩ tại chức?", bạn Hùng thắc mắc.
Nhiều độc giả Hà Nội cũng lo ngại chiến lược cán bộ công chức trọng bằng cấp sẽ dấy lên phong trào chạy đua bằng cấp trong đội ngũ cán bộ Thủ đô."Hà Nội luôn dẫn đầu về số cán bộ nhiều bằng cấp, nhưng thực tiễn không được như dân mong muốn. Được biết, một số lãnh đạo hoàn toàn không giao tiếp được bằng tiếng Anh. Nhưng hồ sơ thì đầy đủ chứng chỉ", bạn Vũ Dũng (Cầu Giấy - Hà Nội) chia sẻ.
Cũng như bạn Dũng, nhiều độc giả thẳng thắn chỉ ra vấn nạn "tiến sĩ giấy" xuất phát từ não trạng sính bằng cấp. Cứ ngồi vừa khít ở một "ghế" nào đó rồi tùy thời cơ để "sắm sanh" thêm bằng thạc sĩ, tiến sĩ tương thích với con đường tiến thân.
Thử hỏi trong hàng ngàn các tiến sĩ hiện nay có bao nhiêu tiến sĩ có đột phá? Luận văn tiến sĩ của họ có bao nhiêu sáng tạo mới mẻ? Chưa kể, đã có tiến sĩ nào phát minh ra máy cắt cỏ chưa hay các phát kiến lao động đều của những người nông dân?
Là công chức làm việc tại Bộ NN&PTNT, bạn Nguyễn Phú Quốc băn khoăn, hiện nay số tiến sĩ, thạc sĩ ở Việt Nam cũng vào hàng cao trên thế giới, nhưng bao nhiêu đề tài ứng dụng được vào thực tiễn? "Ở nước ta, trong 10 thạc sỹ thì có đến 7 thạc sỹ không đọc được tài liệu nước ngoài", bạn Quốc thẳng thắn.
Lê Nhung
"Cái giỏi của nhà quản lý là biết dùng người tài. Lãnh đạo của Hà Nội không nhất thiết phải là tiến sĩ mà quan trọng hơn, phải biết trọng dụng tri thức chuyên gia. Thay vì dành kinh phí đào tạo cán bộ đương chức, nên tập trung phát triển các cơ quan nghiên cứu để thực hiện tốt chức năng tham mưu, tư vấn cho lãnh đạo", bạn đọc Chi Mai góp ý. Hàng trăm độc giả cũng "hiến kế" cho Hà Nội để chọn lãnh đạo có tư tưởng đột phá mà không nhất thiết phải là tiến sĩ.
Bài tiếp: Tiến sĩ trồng rừng có nên quản lý kinh tế?

Wednesday, September 16, 2009

Cuộc sống trên quê hương thứ hai.

Tôi trở thành công dân trên đất Mỹ một cách ngẫu nhiên mà không hề sắp xếp. Với một tình yêu trọn vẹn và sự đoàn tụ với người chồng yêu quí.
Cuộc sống trước đây ở Việt Nam thực sự bấp bênh nếu chỉ sống bằng đồng lương nhà nước hàng tháng thì hết sức vất vả. Nhưng dù sao so với nhiều đồng nghiệp khác tôi sống đàng hoàng hơn do có nhiều nghề phụ khác và được sự hỗ trợ của gia đình.
Khi lấy chồng, tôi tiếc nuối nhiều lắm. Vi mình có nghề, có chuyên môn kinh nghiệm.Nhưng nhìn xa, trông rộng vì tương lai các con thì không thể song hành với nghề nghiệp và phát triển định hướng của các con tại Việt Nam được. Phải tìm hướng mới cho tương lai các con và bản thân mình mà thôi.
Tôi là người may mắn. Có lẽ do sắp đặt của tổ tiên, và sự tạo hóa" trong cái rủi thì gặp được cái may"..Và tôi đón nhận cái may trong cuộc đời.
Năm 2004 ra đi, lúc ấy tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ đi hẳn, và định cư ở nước ngoài. Đây chỉ là chuyến đi tạm thời, lo cho con xong là mình lại trở về với nghiệp, vì mình nhớ và yêu nghề lắm. Chưa đến tuổi về hưu cơ mà. Mặc dù khó khăn là thế nhưng mà nơi sinh ra và lớn lên làm sao mà quên dễ dàng đến thế. Những hương vị cuộc sống khó khăn đã cho tôi học được nhiều điều giá trị cuộc đời.
Sau mỗi lần về, hình như lòng quyết tâm về VN lại bớt đi. Tôi cố học và tiếp thu cái mới, mong được thực hành nơi quê nhà. Nhưng vẫn bộ khung hành chính quan liêu, lề lối nghiên cứu khoa học nửa vời, sự sáng tạo vẫn còn sợ quyền hành bảo thủ cố chấp. Vậy tôi nghĩ mình nên dừng lại và về hưu ở tuổi " non"
Cuộc sống mới mang lại cho tôi nhiều ý nghĩa, tôi học lại về chuyên môn và cập nhật cái mới. Tôi học cách dạy con và nhìn lại bản thân mình.Tôi luôn tỉnh táo xác định cho mình trước những hướng đi trong tương lai, chính vì vậy mà cuộc sống trước đây cũng như sau này chưa bao giờ tôi bị "shock" trước sự thất bại hay không trọn vẹn mà thấy hối tiếc hoặc dằn vặt đau khổ. vì khi đã xác định và có các phương án thì mọi việc sẽ diễn ra và đều đến tuần tự diễn ra theo quy luật. Tôi theo chủ nghĩa " Luật nhân quả" gieo quả nào gặt quả đó....
Đã tròn 6 năm tôi là gái theo chồng, Cuộc sống cũng có những sóng gió về sự khác biệt tập quán, phong tục, ngôn ngữ, và thói quen. Mỗi lần sóng gió, tôi lại nhìn bản thân mình, nhìn lại người bạn đời của mình và một lần nữa hiểu được người thân có giá trị rất lớn mà không thứ gì có thể đánh đổi được. Những điều đó sẽ giúp cho mình vượt qua mọi thử thách. Với sự hiểu biết giá trị của nhau, đồng cảm ,tôn trọng và chia sẻ của cả hai vợ chồng mà chúng tôi ngày càng yêu nhau và cần nhau hơn. Với tôi đó là điều quí giá nhất.
Thời gian vừa qua là quá trình thử thách với cuộc sống mới. Tôi không tự mãn với những gì mình có, nhưng tôi hiểu giá trị hạnh phúc mà chúng tôi phải đánh đổi bằng những kinh nghiệm đã trải qua. Tiền bạc không làm nên hạnh phúc mà chính là sự hài lòng trong cuộc sống tạo nên hạnh phúc của chúng tôi.
Tôi có thêm những người con của chồng, và ngược lại anh ấy cũng có thêm những người con của tôi. Chúng tôi đều yêu quí chúng như nhau, và luôn muốn có sự êm ấm, đoàn kết, đùm bọc, yêu thương lẫn nhau. Đó thật sự ngoài mong đợi của tôi.
Hiện tại tôi sống ở thành phố nhỏ , nơi đây rất thanh bình và yên tĩnh. Môi trường và khí hậu thật tuyệt vời. Về văn hóa , cách sống, cư sử, và kiến trúc nơi đây đã mang lại sự thay đổi tư duy cố hữu trong con người tôi. Cuộc sống không có điều gì khiến tôi lo âu khắc khoải hay cạnh tranh bon chen tỵ hiềm ganh ghét...
Tôi tìm thấy việc mình cần phải làm, và cái mà gia đình mình thiếu. Cứ như vậy mà tôi bù đắp hoàn thiện cho gia đình bé nhỏ của tôi. Mỗi người đều có cái nhìn riêng, và tôi biết mình đang cần gì và thiếu gì để nâng cao và bổ xung khiếm khuyết của mình cho đúng thời điểm mà mình cần.
Tôi tin vào số mệnh, mỗi người đều có số và sự may mắn riêng.
Thời gian và cơ hội đã ngẫu nhiên sắp đặt chúng tôi gặp nhau. Và đến bây giờ tôi cũng không lý giải được tại sao lại xảy ra nhanh như vậy? tôi luôn nói với anh rằng " 143"
Và chân thành " Cảm ơn tổ tiên, đấng sinh thành kiếp trước, và trời phật mà thôi."
Mùa thu năm 2009,