Hồi đó, thập kỷ 70 bố mẹ còn đi làm 2 ca sáng và chiều. Tôi luôn lo lắng chu toàn bữa sáng ,trưa, chiều. Đối với việc đi chợ, nấu cơm thời đó là rất mất nhiều thời gian chứ được đọc sách học bài là hiếm lắm. Sau này nhà nước có qui định làm thông tầm thì tôi cũng giảm bớt được thời giờ nấu nướng buổi trưa, nhưng thay vì đó lại phải dậy sớm hơn, đang tuổi lớn nên tôi thèm ngủ lắm, chính vì vậy mà tiếng bấc,tiếng chì , quát nạt từ sáng sớm làm tôi nhớ mãi. Nếu có sai sót điều gì từ ngày hôm qua thì mẹ lại lôi ra kể không dứt.
Lúc ấy, tôi rất trẻ con và thấy vui vui là về kể cho mẹ nghe từ chuyện hàng xóm đến bạn bè . Mẹ nghe xong chẳng khuyên mà cũng chẳng dạy bảo, nhưng khi nào tôi làm sai thì lại lôi những điều tôi nói ra để trì triết họăc là mắng mỏ xỉa sói...cay độc....Do vậy thái độ đối phó của tôi là không kể nữa hoặc nói dối.
So với đồng lứa lúc đó thì tôi có một cuộc sống hoàn toàn bình thường như bao gia đình khác. Gia cảnh nhà tôi khá giả so với mặt bằng chung và thuộc dạng đủ ăn đủ mặc.
Như hầu hết bạn gái bình thường khác, tôi có một em bạn trai cách tôi 1 tuổi và 1 em gái cách tôi 15 tuổi. Chính vì vậy mà công việc lớn nhỏ đều đến lượt tôi vì là em trai nên em được mẹ chiều và quí hơn. Sau này khi em gái ra đời thì tôi lại có công việc nhà gấp 3 lần. Tôi có bạn bè thân thiết, những bạn gái của tôi sợ mẹ tôi lắm, nên chẳng có ai dám chơi với tôi khi có mẹ ở nhà, chúng tôi toàn hẹn hò sau mỗi buổi học, và ngoài đường gốc cây túm năm tụm 3 mà thôi.
Bố tôi là một người hiền lành và có học thức, luôn lắng nghe và chia sẻ với tôi…
Nếu nhìn bề nổi, thật sự tôi đang có một cuộc sống tuyệt vời hơn so với rất nhiều bạn. Nhưng "ở trong chăn mới biết chăn có rận", ngay từ bé tôi đã hiểu, mãi mãi tôi sẽ không thể có một gia đình trọn vẹn, thật đau khổ là lại vì chính mẹ mình.
Hồi tôi còn đang bập bẹ đi học mẫu giáo đến khi trưởng thành, mẹ đã luôn là một người vô cùng nghiêm khắc với từng hành động của tôi. Nếu trót làm sai chuyện gì đó hay không buộc tóc theo ý mẹ, việc nhà chểnh mảng, cắt thái thịt không đúng theo thớ thịt thì những cơn ác mộng đòn roi , cái cốc đầu, bị quỳ của mẹ lại bắt đầu giáng xuống người tôi và câu " không biết kiếp trước tao làm gì mà bây giờ mày hành hạ tao khổ như vậy" lại được tru lên theo vần điệu.
Là đứa trẻ tôi nào có hiểu câu nói đó, nó đã ảnh hưởng và đi vào tâm não suốt cuộc đời của tôi và lại truyền kiếp đến mỗi khi tôi bị áp lực của cuộc sống hiện tại câu cửa miệng vô thức đó lại được phát ra với các con tôi.
Tôi bị ảnh hưởng nhiều, nên nghĩ lại tôi ân hận lắm. Vì không được giáo dục với các phương pháp dạy con mà chỉ theo lối nhận thức của gia đình nên sự ảnh hưởng của nền độc trị, gia giáo, bảo thủ, áp đặt, tuân thủ theo hướng 1 chiều. Sự chỉ bảo 1 chiều áp đặt đã làm thui chột những sáng tạo, phát triển thông minh của các con tôi. Nếu tôi gần gũi ấp áp vuốt ve dạy bảo tình cảm với các con thì các con tôi sẽ thành công và mạnh dạn sáng tạo hơn trong cuộc sống , học tập, công việc.
Mẹ đánh tôi dường như không hề biết mỏi, những vết thâm tím khắp mình mẩy, những cái tát khiến tôi điếng người, và đáng sợ hơn nữa là những lời mắng mỏ của mẹ tôi, trời ơi thật quá sức tưởng tượng, ngay cả hiện tại tôi cũng không thể nào chịu đựng nổi. Và tôi cũng không ngờ tôi lại áp dụng đối với các con của tôi như vậy. Nếu tôi còn ở Việt Nam thì tôi sẽ không biết được sự khiếm khuyết của mình và cứ như đường mòn theo cách dạy dỗ của mẹ thế nào thì lại đem ra áp dụng dạy con như thế.
Khi biết được phương pháp dạy con của Mỹ thì tôi như người mẹ tội lỗi. Tội của mình không thể nào tha thứ được, cho dù chỉ có mình tôi biết, đổ lỗi do hoàn cảnh , và khó khăn lúc đó cũng không làm vơi đi nỗi dằn vặt đau khổ của bản thân
Tôi có lỗi với các con của mình, bây giờ muốn sửa và muốn làm lại cũng không thể làm được. Chỉ mong viết ra làm bài học và răn mình mà thôi.
Thời gian bận rộn công việc, học hành, con cái gia đình cũng làm tôi quên đi phần nào ký ức tuổi thơ. Nhưng có lời nói, hành động đi theo tôi suốt cả tuổi thơ, trở thành một vệt đen kí ức mà tôi không thể nào quên. Nhất là mẹ đối xử không công bằng giữa chị em chúng tôi. Và tôi lúc nào cũng như đứa con không phải do mẹ đẻ ra. Điều này không chỉ tôi cảm nhận mà các Dì, em trong họ hàng đều bức xúc hộ tôi.
Từ bé cho đến tận bây giờ chưa bao giờ mẹ có những lời nói hay chúc mừng cho tôi vào ngày tết hay sinh nhật. Chưa bao giờ tôi có được món quà hay quần áo mới mẹ mua...
Đó là điều tôi cảm thấy tủi thân và buồn nhất khi Ba tôi qua đời. Và hiện nay mẹ tôi lại càng thể hiện sự bất công hơn lúc nào hết.
Tôi nghiệm ra rằng, khi con cái đã lớn không nên xen vào cuộc sống gia đình của các con quá nhiều. Có thương con thì chỉ nên đưa ra ý kiến tham khảo và nêu ý tưởng khách quan mà thôi.
- Trong ký ức của tôi, do Bố mẹ xen vào cuộc sống riêng tư của tôi quá nhiều nên gia đình nhỏ của tôi có những đổ vỡ. Khi chưa lập gia đình tôi sống và luôn luôn nghĩa vụ hầu hạ bố mẹ và em như 1 người ở. Có lần anh ấy sang chứng kiến cảnh tôi tắm cho em gái tôi khi đó đổ nước sôi vào chậu mà cái tay cầm của ấm nước bị mất con ốc nên nó chệch và bắn tí xíu nước nóng vào người em tôi. Mẹ nghe thấy tiếng khóc thét lên thì ra ngay và liên tiếp những cái tát, và cú đánh vào đầu trước mặt người yêu tôi. không cần nghe giải thích.Khi đó người yêu tôi bảo sao em khổ thế? anh sẽ đưa em về nhà anh cho em đõ vất vả nhé. Và tôi ưng thuận xin Bố mẹ làm đám cưới. Nhưng mẹ không đồng ý,
- Năm 1980 chúng tôi ăn hỏi chuẩn bị làm đám cưới, nhưng mẹ không cho cưới bảo 2 năm sau? và nói 1 câu làm tôi đau đớn tới bây giờ " Mày mót cưới lắm hả?"thông thường VN đám hỏi chỉ xảy ra trước đám cưới vài tháng thôi. Thế là vì sợ mẹ mà chồng tôi bảo cứ đi đăng ký kết hôn, và chúng tôi ra Phường làm lễ dăng ký kết hôn với sự chứng kiến của Bố mẹ chồng vào năm 81. Và mãi cuối năm 82 chúng tôi quyết định sẽ có con thì mới được cưới và ở chung.
- Khi lấy chồng lần 1, chồng tôi làm ăn phát đạt , chồng tôi bảo ở riêng mua nhà, thì do sự tin tưởng Bố mẹ bảo trông nhà, bố mẹ cho nhà để làm tài sản riêng. Chúng tôi đầu tư tiền của công sức làm mới , xây cao, rộng hơn. Nhưng cuối cùng thì bố mẹ đổi ý và chiếm toàn bộ công sức cũng như tiền bạc của 2 vợ chồng chúng tôi.
- Khi chồng ở nhà vợ, chồng tôi luôn biết điều lo cho các em, khi đó em út mới học lớp 2, hàng ngày anh ấy vẫn đưa đi đón về. Sáng chủ nhật hàng tuần công việc đầu tiên của anh ấy là giặt 1 chậu quần áo trong và ngoài cho cả gia đình vợ, sau đó mang 2 xe đạp của bố mẹ vợ ra lau cho dầu vào xích. Mỗi sáng chủ nhật 2 vợ chồng muốn nằm ngủ với con lâu hơn 1 tý cũng bị mẹ vợ lên tận giường lột màn ra gọi hay chửi xéo. Đến bây giờ tôi cũng không biết có phải anh ấy ra nông nỗi này có phần đóng góp của mẹ không? nhưng nghe các Dì và các em họ cùng lên tiếng thì tôi cảm thấy đau lòng quá.
- Khi lấy chồng lần 2, Bố mẹ cũng định áp dụng phương pháp áp chế như lần 1, nhưng chồng tôi là người ở xã hội Mỹ, nói thẳng , nói thật, nên ông bà khó xen vào ...Tuy nhiên khi chúng tôi ra đi , nhờ em trai bán hộ 1 số của cải thì cũng bị mẹ lấy luôn mà không hoàn lại.
- Khi tôi đang tim hiểu lấy chồng lần 2, mẹ vẫn còn thái độ chiếm hữu coi tôi như trẻ mới lớn. Có Tết năm đó chúng tôi đi chùa Yên tử do về muộn, máy cellphone tôi hết Pin tôi chưa kip gọi điện về và về muộn thì mẹ đã mắng nhiếc không tiếc lời, chẳng cần nghe tôi giải thích. Nhiều lúc tôi rất mệt mỏi và không muốn liên hệ tình mẫu tử nữa.
- Thế rồi thời gian qua đi, những oán hận mẹ tôi cũng dần nguôi ngoai, tôi và mẹ lại bình thường. Nhưng trong thâm tâm tôi không còn sự cảm phục và yêu mến sâu sắc nữa. Vì mẹ đã làm tổn thương quá mức đối với tôi.
- Trước lúc ra đi bố tôi cũng tâm sự nỗi đau khổ dày vò của bố khi sống với mẹ ,tôi thương bố luôn phải chịu đựng mẹ, vì mẹ luôn áp đặt, suy nghĩ 1 chiều, và những cách ích kỷ, tham lam và chỉ nói hay hơn làm tôi sợ sẽ làm gương ảnh hưởng tới các con tôi. Tôi thật sự sợ điều đó xảy ra như đã xảy ra với tôi.
- Thực lòng, tôi viết ra chỉ để giải tỏa, còn tùy mọi người phán xét. Cứ cho tôi là kẻ bất hiếu khi nói mẹ vậy, hay nghĩ tôi là kẻ không ra gì khi "vạch áo xem lưng” đi, nghĩ tôi có mẹ mà không biết quý trọng, tôi sẽ chấp nhận hết.Tôi không thể tìm ra nơi để mình trút bỏ được những gì đã đè nén trong tôi suốt năm qua, vậy tôi thật sự cảm ơn vì đã lắng nghe tôi!