Thủ tục chuyển tiền thừa kế ra nước ngoài
"Thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản có được do thừa kế có thể không phải chịu thuế thu nhập cá nhân và được phép mang, chuyển ra nước ngoài", luật sư Phạm Thanh Bình tư vấn.
> Có được chuyển tiền thừa kế ra nước ngoài? (Mạnh Tuấn)
1. Về thủ tục chuyển số tiền có được do chuyển nhượng đất được thừa kế ra nước ngoài
Theo quy định tại Điều 10 Quyết định số 1437/2001/QĐ-NHNN ngày 19/11/2001 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, công dân Việt Nam đại diện cho người thừa kế ở nước ngoài được liên hệ với Ngân hàng được phép hoạt động ngoại hối để làm thủ tục chuyển, mang ngoại tệ (có được do thừa kế) ra nước ngoài.
* Hồ sơ để làm thủ tục bao gồm các loại giấy tờ sau:
- Đơn xin chuyển, mang ngoại tệ (theo mẫu của Ngân hàng);
- Bản chính hoặc bản sao công chứng văn bản của cơ quan có thẩm quyền về việc chia thừa kế hoặc di chúc, văn bản thỏa thuận giữa những người thừa kế hợp pháp;
- Văn bản ủy quyền của người thừa kế (có công chứng, chứng thực) hoặc tài liệu chứng minh tư cách đại diện theo pháp luật của người xin chuyển, mang ngoại tệ.
- Bản sao giấy chứng minh nhân dân (đối với trường hợp xin chuyển ngoại tệ) hoặc bản sao hộ chiếu (đối với trường hợp xin mang ngoại tệ).
* Về mức ngoại tệ tiền mặt được chuyển:
Theo quy định tại Quyết định số 921 ngày 27/6/2005 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thì cá nhân trực tiếp mang tiền mặt khi xuất nhập cảnh qua cửa khẩu Việt Nam chỉ được phép mang theo người lượng ngoại tệ tiền mặt (bao gồm tiền giấy, tiền kim loại, séc du lịch) ở mức 7.000 USD; trường hợp vượt quá mức quy định trên thì phải khai báo hải quan cửa khẩu và xin giấy phép của Ngân hàng được phép hoạt động ngoại hối.
Trong trường hợp được phép mang, chuyển ngoại tệ ra nước ngoài, công dân Việt Nam đại diện cho người thừa kế ở nước ngoài được chuyển, mang mỗi năm tối đa không quá 10.000 USD hoặc 20% số tiền nếu tổng số tiền được thừa kế lớn hơn 50.000 USD.
Trường hợp số tiền xin chuyển, mang lớn hơn 50.000 USD, Công dân Việt Nam phải xuất trình giấy tờ chứng minh thực có số tiền xin chuyển cho mục đích thừa kế.
Số tiền còn lại (bằng đồng Việt Nam hoặc ngoại tệ), công dân Việt Nam được gửi vào Ngân hàng để chuyển dần (bao gồm gốc và lãi phát sinh) trong các năm tiếp theo, theo phương thức Lệnh chuyển tiền định kỳ đã được thỏa thuận giữa Ngân hàng và người có yêu cầu chuyển ngoại tệ nhưng mỗi năm tối đa không quá mức quy định trên.
Trường hợp gửi vào Ngân hàng bằng đồng Việt Nam, công dân Việt Nam được mua ngoại tệ theo tỷ giá bán ngoại tệ của Ngân hàng được phép tại thời điểm chuyển ngoại tệ theo thỏa thuận giữa ngân hàng và người có yêu cầu chuyển ngoại tệ trong Lệnh chuyển tiền định kỳ.
2. Về thuế thu nhập phải chịu trong trường hợp chuyển nhượng đất được thừa kế:
Theo quy định tại khoản 4 Điều 4 Luật thuế thu nhập cá nhân thì thu nhập từ nhận thừa kế là bất động sản giữa cha mẹ đẻ với con đẻ thuộc diện không phải chịu thuế.
Theo quy định tại khoản 5 Điều 3 Luật thuế thu nhập cá nhân, thu nhập có được do chuyển nhượng tài sản là bất động sản là thu nhập phải chịu thuế.
Tuy nhiên, đối với thu nhập có được do chuyển nhượng tài sản được hưởng thừa kế, người chuyển nhượng sẽ không phải chịu thuế thu nhập cá nhân trong trường hợp:
- Thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản giữa vợ với chồng; cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ; cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi; cha chồng, mẹ chồng với con dâu; cha vợ, mẹ vợ với con rể; ông nội, bà nội với cháu nội; ông ngoại, bà ngoại với cháu ngoại; anh, chị, em ruột với nhau.
- Thu nhập từ chuyển nhượng nhà ở, quyền sử dụng đất ở và tài sản gắn liền với đất ở của cá nhân trong trường hợp cá nhân chỉ có một nhà ở, đất ở duy nhất.
Do vậy, nếu bạn được thừa kế mảnh đất của cha mẹ tại Việt Nam và có ý định chuyển nhượng mảnh đất này để nhận tiền mặt, bạn sẽ chỉ được miễn thuế thu nhập cá nhân đối với việc chuyển nhượng khi mảnh đất này là tài sản duy nhất thuộc sở hữu của bạn tại Việt Nam hoặc bạn chỉ chuyển nhượng mảnh đất đó cho những người thân thích trong gia đình (bao gồm: ông bà nội (ngoại); cha mẹ nuôi, cha mẹ chồng (vợ); anh chị em ruột).
No comments:
Post a Comment