Theo như bài trước của bác sĩ, nếu đo huyết áp thấy cao đến 140 hoặc 90 thì sẽ phải cần bắt đầu uống thuốc cao huyết áp, hay có cần làm thêm xét nghiệm gì không?
Và sau khi uống thuốc, nếu thấy huyết áp trở lại bình thường, có thể ngưng thuốc hay không?
-Tôi thấy bác sĩ nói cao huyết áp có thể có nguyên nhân, và trong các trường hợp này thì trị nguyên nhân sẽ hết hẳn bệnh mà không cần uống thuốc. Như vậy trước khi uống thuốc cao huyết áp có cần phải làm xét nghiệm tìm nguyên nhân để xem bệnh có thể chữa dứt tuyệt luôn hay không?
-Bệnh cao huyết áp có thể liên quan đến nhiều lĩnh vực chuyên khoa khác nhau, vậy, việc chữa trị bệnh, tốt nhất nên do bác sĩ gia đình hay bác sĩ chuyên khoa đảm nhiệm?
Ðáp:
Các khám nghiệm cần thiết cho người mới được chẩn đoán cao huyết áp
Cho những người mới được chẩn đoán cao huyết áp, bác sĩ thường cần khám nghiệm tương đối toàn diện để xác định những điều sau đây:
-Tìm hiểu cách sinh hoạt, cách ăn uống, thói quen (như có thể dục, hút thuốc, dùng xì ke ma túy...) để xem có những yếu tố nguy cơ nào làm tăng khả năng bị biến chứng tim mạch. Những điều này có thể rất có ích cho việc điều trị.
-Tìm hiểu xem có thể có những nguyên nhân nào gây ra cao huyết áp hay không.
-Tìm hiểu xem cao huyết áp đã có gây ra biến chứng ở cơ quan nội tạng nào chưa.
Việc khám nghiệm bao gồm thăm (hỏi, bệnh sử, tiền sử, bệnh sử gia đình...), khám (toàn thân), thực hiện các xét nghiệm thường quy và các phương pháp chẩn đoán khác.
Khám bệnh (physical examination)
Thường bao gồm đo lại huyết áp hai bên cánh tay, cân đo để xác định chỉ số cân nặng (đã trình bày kỳ trước), khám tuyến giáp (thyroid gland), khám tim, phổi, thần kinh, xem có bị phù hay không... Ðều nhằm xác định mức cao huyết áp và tìm xem có biến chứng hoặc nguyên nhân của cao huyết áp hay không.
Các xét nghiệm
Các xét nghiệm cũng nhằm cùng mục đích với việc thăm khám toàn diện.
Thường bao gồm việc làm điện tâm đồ (ECG-electrocardiogram), thử nước tiểu, thử máu xem có rối loạn các chất điện giải, thử cholesterol trong máu, chức năng thận.
Thường chỉ cần các xét nghiệm căn bản, không cần các xét nghiệm để tìm nguyên nhân nếu việc khám cơ thể không cho thấy có gì gợi ý một nguyên nhân nào đó.
Các xét nghiệm để tìm nguyên nhân có thể sẽ cần thiết nếu huyết áp cao không thể kiểm soát được sau một thời gian điều trị. Hoặc trong khi thăm khám như kể trên, có một hay nhiều yếu tố khiến bác sĩ nghĩ là bệnh có thể (nằm trong các trường hợp tương đối rất hiếm gặp) có nguyên nhân.
***
Trong đại đa số các trường hợp, bác sĩ gia đình đều đã được đào tạo đầy đủ để trị liệu căn bệnh cao huyết áp rất thường gặp này. Chỉ trong trường hợp bệnh không thể được kiểm soát với trị liệu của bác sĩ gia đình, bệnh nhân mới cần được bác sĩ gia đình giới thiệu sang các bác sĩ chuyên khoa có liên quan.
Các xét nghiệm tìm nguyên nhân (thường rất hiếm gặp), sẽ được bác sĩ gia đình thực hiện, hoặc thường là bác sĩ gia đình sẽ mời các bác sĩ chuyên khoa có thể liên quan đến nguyên nhân (được nghĩ đến) của bệnh, như bác sĩ chuyên khoa tim mạch, thận, hoặc nội tiết, phẫu thuật... cùng tham gia trong việc điều trị.
***
Cần nhắc lại, 95% các trường hợp cao huyết áp là không có nguyên nhân rõ ràng, và do đó cần phải uống thuốc hạ huyết áp hầu như suốt đời.
Trong một số trường hợp rất hiếm hoi, nếu sau một thời gian dùng thuốc, kết hợp với các phương pháp không dùng thuốc như thể dục, ăn uống lành mạnh, mà huyết áp trở lại mức bình thường, thì bác sĩ sẽ có thể giảm liều từ từ và ngưng thuốc nếu huyết áp vẫn được kiểm soát với liều thuốc tối thiểu.
Tuyệt đối không nên tự ngưng thuốc. Vì khi uống thuốc, huyết áp sẽ phải giảm (là nhờ thuốc). Nếu ngưng thuốc đột ngột, huyết áp có thể tăng lên đến mức nguy hiểm (gây ra tai biến mạch não-strokes, gây liệt, nhồi máu cơ tim (heart attacks), hoặc các biến chứng khác.
Các trường hợp cao huyết áp có nguyên nhân
Hỏi:
Xin nói rõ hơn một chút về các trường hợp cao huyết áp có nguyên nhân và cách giải quyết các trường hợp này?
Ðáp:
Cần nhắc lại, khoảng 95 phần trăm các trường hợp cao huyết áp là không có nguyên nhân rõ ràng, và do đó cần phải uống thuốc hạ huyết áp hầu như suốt đời.
Còn khoảng 5 phần trăm còn lại, cao huyết áp có thể do một nguyên nhân nào đó, và được gọi cao huyết áp thứ phát (secondary hypertension).
Trong các trường hợp này, thường thì nếu giải quyết được các nguyên nhân (không phải nguyên nhân nào cũng có thể giải quyết được), huyết áp sẽ có thể trở lại bình thường (nếu bệnh nhân không bị cùng lúc cả cao huyết áp nguyên phát).
Không phải bệnh nhân nào cũng cần phải được làm các xét nghiệm đặc biệt để tìm nguyên nhân. Thường thì các bệnh nhân mới được chẩn đoán là bị cao huyết áp chỉ cần được làm các xét nghiệm rất căn bản.
Chỉ trong các trường hợp sau mới cần phải làm thêm các nghiên cứu xem có phải bị cao huyết áp thứ phát từ một nguyên nhân nào khác hay không:
-Cao huyết áp trầm trọng, hoặc không đáp ứng với các điều trị thông thường.
-Huyết áp đột ngột tăng lên bất thường, không kiểm soát được sau một thời gian tương đối bình ổn.
-Bị cao huyết áp từ trước tuổi dậy thì.
-Hoặc bị cao huyết áp trước tuổi ba mươi ở những người không có người trong gia đình bị cao huyết áp, không bị mập phì, và không phải là người da đen (các yếu tố kể trên có thể dẫn đến cao huyết áp sớm trước tuổi ba mươi).
Một số các nguyên nhân có thể liên quan đến việc tăng huyết áp là:
-Các bệnh thận nguyên phát (primary renal disease).
-Cao huyết áp là một dấu hiệu thường thấy ở những người bị cao huyết áp cấp tính hay mạn tính, nhất là ở những người bị bệnh cầu thận hay mạch máu thận (glomerular or vascular disorders).
-Các thuốc ngừa thai hoặc các loại hormone cho người có triệu chứng khó chịu của thời kỳ mãn kinh (oral contraceptives or hormone replacement therapy).
-Một số thuốc ngừa thai hoặc nội tiết tố cho người mãn kinh có thể làm tăng huyết áp. Sự tăng huyết áp này thường vẫn trong mức dưới 140/90 (tiêu chuẩn cao huyết áp như đã trình bày). Tuy nhiên, đôi khi nó có thể làm cho huyết áp tăng đến tiêu chuẩn để chẩn đoán bệnh cao huyết áp.
-Bị một loại bướu gọi là pheochromocytoma.
-Ðây là một loại bướu tiết ra loại nội tiết tố (hormone) có thể làm cao huyết áp từng cơn (paroxysmal hypertension) trong khoảng phân nửa các trường hợp. Trong phân nửa các trường hợp còn lại, huyết áp có thể cao đều đều như trong các trường hợp cao huyết áp tiên phát.
-Bị một rối loạn về nội tiết (hormone), gọi là primary hyperaldosteronism.
-Những người bị rối loạn này thường có ba dấu hiệu là cao huyết áp, thử máu thấy giảm chất potassium không giải thích được tại sao, và bị kiềm hóa (unexplained hypokalemia, and metabolic alkalosis).
-Bị một hội chứng gọi là Cushing's syndrome: cao huyết áp tâm trương một cách vừa phải, lại thường là nguyên nhân gây bệnh và tử vong ở các bệnh nhân bị hội chứng này (moderate diastolic hypertension, is a major cause of morbidity and death in patients with Cushing's syndrome).
-Một số rối loạn nội tiết khác: các rối loạn cường hoặc suy giáp, cường cận giáp cũng là nguyên nhân gây cao huyết áp thứ phát.
-Chứng ngưng thở trong khi ngủ: cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến cao huyết áp khi thức giấc.
-Phình động mạch chủ (coarctation of the aorta): Là một trong những nguyên nhân thường gặp dẫn đến cao huyết áp ở trẻ em nhỏ.
Tùy theo triệu chứng của bệnh nhân, sau khi thăm khám kỹ lưỡng, bác sĩ gia đình có thể làm các xét nghiệm hoặc giới thiệu sang các bác sĩ chuyên khoa để xác định nguyên nhân và điều trị tận gốc của bệnh.
No comments:
Post a Comment