Đã từ lâu (trên 15 năm qua), người ta giả định rằng nếu hai người châu Á và châu Âu (da trắng) có cùng body mass index (BMI), thì người châu Á có nhiều lượng mỡ hơn. Dù bằng chứng rất “mỏng”, nhưng hình như ai cũng chấp nhận giả định này. Chấp nhận giả định này có nghĩa là tiêu chuẩn BMI chẩn đoán béo phì cho người châu Á phải thấp hơn người châu Âu. Thấp hơn bao nhiêu thì chưa ai biết, nhưng đã có nhiều người đề nghị rằng đối với châu Á, BMI cao hơn hay bằng 25 thì nên chẩn đoán là béo phì. Đề nghị này được các nước Á châu vỗ tay, hoan nghênh.
Chúng tôi nghĩ khác. Chúng tôi cho rằng giả định trên sai. Thật vậy, khi xem xét qua y văn và đọc kĩ bài báo năm 1994 (bài báo mà họ cho rằng người châu Á có tỉ lệ lượng mỡ cao hơn người châu Âu), chúng tôi thấy chẳng có khác nhau gì đáng kể giữa người châu Á và người Mĩ gốc Âu châu! Do đó, giả thuyết chúng tôi đặt ra là không có khác biệt về tỉ lệ mỡ giữa người châu Á và châu Âu nếu họ có cùng BMI. Để kiểm định giả thuyết này, chúng tôi phải phân tích lượng mỡ của một nhóm phụ nữ ở Việt Nam và ở Mĩ. Sau đó, chúng tôi “bắt cặp” một phụ nữ Việt Nam và một phụ nữ Mĩ (da trắng) sao cho mỗi cặp có cùng độ tuổi và cùng BMI. Kế đến chúng tôi so sánh tỉ lệ mỡ giữa hai nhóm Việt Nam và Mĩ. Kết quả cho thấy hai nhóm này có tỉ lệ mỡ tương đương nhau (Việt Nam: 35.6%, Mĩ: 35.8%). Để chắc ăn, chúng tôi còn làm nhiều phân tích khác nữa, và kết quả vẫn không thay đổi. Tức là, tỉ lệ mỡ ở phụ nữ Việt Nam tương đương với tỉ lệ mỡ ở phụ nữ Mĩ gốc châu Âu.
Kết quả này cho thấy giả định mà giới y khoa quốc tế và WHO dựa vào trong vòng 15 năm qua là sai. Bởi vì giả định sai, cho nên ngưỡng BMI dùng để chẩn đoán béo phì cho người châu Á (BMI>25) cũng sai. Công trình của chúng tôi là công trình hiếm và lần đầu tiên có một so sánh trực tiếp giữa hai sắc dân, với công nghệ DXA. (Trước đây, toàn là những so sánh gián tiếp và không có sử dụng DXA). Do đó, ý nghĩa của nghiên cứu này quan trọng ở chỗ là nó làm cho người ta phải quay lại từ đầu để xác định ngưỡng BMI cho chẩn đoán béo phì cho cả Á châu.
Cho đến nay, chưa ai biết ngưỡng BMI hay lượng mỡ đó là bao nhiêu để chẩn đoán béo phì cho người châu Á, vì chưa có nghiên cứu dài hạn. Chúng ta cần phải nghiên cứu hàng ngàn người và theo dõi từ 5 đến 10 năm để biết ở lượng mỡ hay BMI bao nhiêu để có thể xác định là nguy hiểm đến tính mạng. Ở Á châu, chưa có những nghiên cứu như thế. Phải chi chính phủ VN tài trợ một nghiên cứu như thế thì hay quá.
Đương nhiên, trong hoạt động khoa học, một kết quả mang tính thách thức thường sẽ bị xâm soi rất kĩ. Nay mai đây, sẽ có rất nhiều người trên thế giới tìm mọi cách để phản bác nghiên cứu của chúng tôi. Nhưng tôi nghĩ rất khó phản bác kết quả này, vì chúng tôi đã làm rất cẩn thận với tất cả những phân tích từ đơn giản đến tinh vi có thể làm được. Chúng tôi đã chuẩn bị tinh thần để “chiến đấu”.
Nhưng làm cái gì cũng phải nghĩ đến Việt Nam. Trong tương lai gần hay trung hạn thì chúng ta vẫn phải sử dụng BMI để chẩn đoán béo phì, vậy thì câu hỏi đặt ra là: chuẩn BMI để chẩn đoán béo phì cho người Á châu hay cụ thể là người Việt Nam là bao nhiêu? Tôi chắc chắn rằng không phải là 25 như đa số các nước châu Á đang áp dụng hiện nay. Nhưng tôi cũng không có câu trả lời chính xác, vì chưa có nghiên cứu dài hạn (như nói trên). Tuy nhiên, qua xem xét y văn về mối tương quan giữa BMI và tử vong ở Trung Quốc và Hàn Quốc, tôi cho rằng chúng ta có thể sử dụng chuẩn BMI>30 để chẩn đoán béo phì cho người Việt Nam.
Đây là một công trình thú vị về thời điểm. Sau vài tháng bình duyệt, và phản hồi qua lại, chúng tôi nhận được thư báo tin tập san chấp nhận cho công bố là ngày 30/12/2009, tức là trước Tết Tây 2 ngày. Ngày bài báo được công bố online là ngày hôm nay, tức là trước Tết Canh Dần 2 ngày. Tôi xem đây là một món quà Tết ngọt ngào. Món quà này cũng là quà cho các bạn đọc trang blog này nữa. Vậy, mến chúc các bạn một năm Canh Dần an khang và nhiều may mắn.
NVT
TB: (1) Cần nói thêm rằng, chẩn đoán béo phì dựa vào BMI thiếu chính xác. Bởi vì cái tử số của công thức BMI là trọng lượng cơ thể, mà trọng lượng cơ thể bao gồm 2 phần chính: nạc và mỡ. Do đó, một người có nhiều nạc và ít mỡ (như lực sĩ hay cầu thủ đá banh chẳng hạn) vẫn bị xem là béo phì nếu họ có trọng lượng cao, và điều này rất … vô duyên. Thật vậy, nếu dựa vào BMI > 30, thì ông thống đốc California Arnold Schwarzenegger, hay tài tử Brad Pitt là béo phì!
===
No comments:
Post a Comment