Thì ra chân lý dân truyền: "Có thực mới vực được đạo"- bấy lâu vẫn được hiểu theo nghĩa cái ăn, chuyện ăn làm đầu - cũng không sai, nhưng nên hiểu và cần hiểu đúng bản chất của ĐẠO (xin đừng lầm tưởng với khái niệm tôn giáo)- thứ giá trị tinh quý và trùm phủ nhất, sống còn nhất để cầm trịch cho sự ổn định và thăng tiến của đời người và xứ sở - chính là được khởi nguồn và vun đắp từ gốc THỰC- tức cái thực có.
Tất cả đều là THÀNH - thành tâm, thành ý và thành công.
Chỉ có thể THÀNH khi có THỰC. Còn ngược lại, phàm ở đời không có THỰC thì không có cách gì để đạt THÀNH cả. Khi đó và ở đó chỉ còn là thế giới của cái HƯ- hư không, hư vô, hư ảo..., vốn là đất sống của sự ích kỷ và giả ngụy cùng thói lừa mị và gian dối, mà người đời vẫn quen gọi là thế giới của ma quỷ. Ở đó không thể gợi lên những gương mặt thuần hậu và rạng ngời, không thể cất lên những lời ca trong trẻo và hào sảng, không thể hé lộ những chân trời bình yên và tươi sáng cùng niềm tự tin và khao khát tốt lành.
Cứ thế mà suy - để thấy rõ lẽ hay - dở, được - mất, bại - thành, hưng - suy, bì - thái... của một đời người, một gia đình - dòng họ, một cộng đồng, một thế hệ, một thời đại và hơn thế. Khi chưa có và không có THỰC mà cứ muốn THÀNH, nhất lại là THÀNH bằng mọi giá thì họa lụy khôn lường- giống như câu chuyện dân gian kể về con ễnh ương muốn làm bò vậy - thường chỉ thấy đa phần là khổ đau và bất hạnh mà thôi.
Ta hãy tưởng tượng: Một người không thực khỏe, lại không chịu rèn luyện để thực có sức mạnh hơn người mà cứ nhảy ra diễu võ dương oai phò nguy cứu khổ, một người không có thực học mà cứ đòi lấy bằng cấp cao và chính quy, một người không thực tài và thực đức mà cứ tranh đoạt quyền cao chức trọng với bổng lộc đầy, một người không thực có căn bản học vấn và ý thức văn hóa, lại giàu sổi và ưa khoe tiền khoe của làm sang - kiểu trọc phú, một người không thực tâm lại sống ích kỉ và vô cảm mà cứ ham mơ một tình yêu thủy chung và nồng cháy... Quả là một bi hài kịch.
Một cá nhân mà thế dễ thành trò cười cho thiên hạ. Một xã hội mà số người ấy chiếm ưu thế, ắt dẫn tới đồi bại và loạn ly. Một dân tộc mà phần đông con dân như thế, ắt sẽ dễ suy vong và bị lợi dụng, thậm chí bị khinh bỉ. Một môi trường mà ôm chứa quá nhiều những dối trá và không thực, thậm chí mặc nhiên coi đó là lẽ thường tình, tệ hại hơn còn ùa theo để trục cầu danh lợi, biến cuộc sống thành cảnh "quần ngư tranh thực", "bá súc đoạt mồi" - điển hình của thảm trạng vô đạo - thì không thể hiển lộ những bậc đại dũng khí - dám nói những điều cần nói, dám làm những điều cần làm, nhất lại là dám nghe và chấp nhận những điều "nghịch nhĩ" để mở đường cho sự lớn mạnh và vượt thoát cộng đồng.
Đó là thực trạng "ao tù nước đọng", ẩn tàng sú khí chỉ có thể bốc lên những ánh lửa ma trơi, le lói dọa gạt người yếu bóng vía, chứ không thể bừng lên thành lễ hội đuốc hoa của sự sảng khoái tinh thần, thăng tiến trí tuệ, hài hòa nhân cách, cởi mở tâm hồn và thôi thúc sáng tạo...
Sao phần đông con dân nước Việt hôm nay lại có thể dễ dàng xao lãng, thậm chí rẻ rúng đầm phá không ít các giá trị dân tộc, trở nên xa lạ, thậm chí chối bỏ truyền thống để dễ dàng chạy theo những chuẩn mực xa lạ của xứ người?.
Chỉ thấy người người, nhà nhà đua chen làm giàu, tối mặt với tiện nghi, tôn thờ đồng tiền và đề cao thân xác theo lối thực dụng phương Tây. Thành ra con người dường như mất phương hướng, cứ mải miết, xô bồ chạy theo toàn những cái THỰC đấy mà HƯ đấy. Ví như nhà cửa, xe cộ....toàn là và vốn là "Hữu hình tất hữu hoại", "vạn vật quy ư thổ"..., phàm là phù vân mây nổi, có ai mang theo được mãi đâu? Ta thử nghĩ mà xem: Người phương Tây đến Việt Nam và họ sẽ ngậm cười, thậm chí cả cười, chứ không mấy kính trọng và thích thú gì khi thấy người Việt Nam lặp lại y xì điệu sống của chính họ - từ manh quần tấm áo, kiểu đầu tóc, bản nhạc, giọng ca... đến lối kiến trúc, xây dựng... Đừng tưởng chạy theo người ta mà đã có thể được tán thưởng, chứ nói chi đến kính trọng và hợp tác bình đẳng?.
Ảnh: laodong.com.vn
Đừng tưởng hàng loạt các giá trị dân tộc được thế giới công nhận và tôn vinh mà đã có thể yên lòng... Rõ ràng chúng ta đã chưa chuẩn bị cho con dân một nền tảng vững chắc và căn bản của văn hóa - truyền thống, đủ sức để giữ mình và bình tâm đón nhận, học hỏi xứ người trong cuộc hội nhập và phát triển tất yếu. Thành thử cái mà người ta coi là phương tiện thì mình tôn thành mục đích và mơ đạt tới bằng mọi giá.
Vậy nên cái giá phải trả thật đắt. Tự đánh mất mình là ở đó. Phương diện nào của đời sống đất nước cũng có thể chỉ ra và phơi bày rõ thực trạng đáng buồn đó. Thấy rõ nhất chính là ở khu vực người giàu - khu vực mới phất lên trong vòng một hai chục năm nay, chủ yếu nhờ tham nhũng, hối lộ, chụp giật, sự tinh quái và thủ đoạn trong làm ăn, chứ ít người thực bằng lao động, và sáng tạo chân chính.
Phải chăng đang có những dấu hiệu biến loạn chuẩn sống, cách sống của cộng đồng? và như thế mới là hiện đại và văn minh, là "văn hóa mới" sao? Tôi không rõ người ta dựa vào tiêu chí nào để biện minh cho cái gọi là "mới" ấy. Và liệu nếu có thì đã và sẽ góp gì vào quá trình bồi đắp và hun đúc hệ giá trị dân tộc vốn được coi là mạch sống không ngừng nghỉ và lỗi đứt? Và liệu nó có phải là nhịp cầu sáng giá bắc tiếp vào cây cầu truyền thống vốn ngời sáng và rất thuần hậu của cha ông?
No comments:
Post a Comment