Sức khỏe, việc làm là ưu tiên hàng đầu'
Một nghiên cứu của Singapore nói người Việt quan tâm nhất sức khỏe, việc làm và làm sao đủ ăn.
Ba giáo sư của Trường Kinh doanh, Đại học Quốc gia Singapore (NUS), trình bày trong một cuốn sách tìm hiểu cuộc sống của người dân Đông Á, gồm Trung Quốc, Hong Kong, Nhật, Singapore, Nam Hàn, Đài Loan và Việt Nam.
Theo các tác giả, khảo sát dựa trên thăm dò AsiaBarometer năm 2006, với 8070 người tuổi từ 20 đến 69, trung bình mỗi quốc gia có 1000 người được hỏi.
Các khảo sát được thực hiện trên toàn quốc; riêng tại Việt Nam, chỉ tiến hành ở các thành phố lớn.
'Khỏe mạnh'
Trong tài liệu mà các tác giả gửi cho BBC Việt ngữ, năm ưu tiên của người Việt là: Khỏe mạnh, Có việc làm, Đủ ăn, Nhà cửa tiện nghi, và Thu nhập cao.
Năm lo lắng của người Việt được cho là: Nghèo đói, Thất nghiệp, Thiên tai, Vấn đề sức khỏe và Ma túy.
Những người trả lời cũng nói họ muốn chính phủ Việt Nam đầu tư nhiều hơn cho y tế (85.2% người được hỏi) và giáo dục (80.8%).
Theo khảo sát, người Việt Nam rất hạnh phúc. 38.4% nói họ "rất hạnh phúc", cao nhất trong cả bảy quốc gia, thứ nhì là Singapore (27.5%), Trung Quốc (18.9%).
Trước câu hỏi "Bạn có đang đạt được điều bạn muốn trong cuộc sống", 15.6% trả lời "rất nhiều", 54.4% "một ít" và 28.6% "rất ít".
Người Việt khuyến khích con cái siêng năng (37.3%), trung thực (34.9%), và độc lập (34%). Đứng thứ tư là kính trọng người già.
Được hỏi muốn con trai lớn lên làm gì, 43.8% muốn con họ trở thành người có lòng yêu thương và nhân ái. Cũng 43.8% muốn con trai giỏi hơn mình trong nghề đã chọn.
Với con gái, 52% muốn tìm được người chồng tốt. 45.5% muốn các cô gái biết quan tâm gia đình.
So với các nước trong khảo sát, người Việt dẫn đầu khi được hỏi về lòng tự hào dân tộc (98.6%), tiếp theo là Singapore (90.8%) và Trung Quốc (88.2%).
Người Việt cũng đi đầu (82.7%) khi đồng ý rằng cần nhấn mạnh giáo dục lòng yêu nước. Con số này ở Trung Quốc là 80.7%, trong khi Nam Hàn là 65.9% còn Nhật chỉ là 36.1%.
Riêng trong phần câu hỏi về tham gia hoạt động chính trị, Việt Nam là nước duy nhất không trả lời.
Ở phần này, 59.6% người Trung Quốc "có thể tham gia ký đơn thỉnh nguyện", mặc dù chỉ có 5.5% đã ký.
53.3% người Trung Quốc "có thể tham gia tẩy chay" và 49.6% "có thể tham gia các cuộc biểu tình hợp pháp".
Đây là kết quả nghiên cứu của ba học giả, Tiến sĩ Tambyah Siok Kuan, Phó Giáo sư Tan Soo Jiuan, và Giáo sư Kau Ah Keng.
Công trình của họ được công bố ở dạng sách, The Wellbeing of Singaporeans.
No comments:
Post a Comment