Thursday, January 20, 2011

Tết đến nhớ về một kỷ niệm.

Tôi có thói quen cứ đến Tết lại nhớ những kỷ niệm đã qua, nhớ người thân, nhớ bàn thờ tổ tiên , nhớ thầy cô, nhớ bạn bè, nhớ quê hương tha thiết.
  Mặc dù xa quê hương thiếu bánh chưng xanh, cành đào đỏ thắm, những cây quất trĩu quả, , những mớ lá dong xanh biếc và những thứ chỉ Hà nội có mà thôi.
  Tôi nhớ những chiều 30 Tết đi tảo mộ, khát khao được thắp nén hương trước mộ gia tiên và những người trong gia đình đã khuất để mời về cùng ăn Tết, nhớ những lúc làm cơm chiều 30 Tết cúng bữa cơm tất niên, và đêm giao thừa đứng trước bàn thờ gia tiên thắp nén hương cầu mong cho một năm mới an khang và thịnh vượng.
Nhớ những lúc tôi rút tiền mừng tuổi cho những đứa con của mình được may mắn hơn... Ôi! có biết bao điều để nhớ!

Tết thường là những ngày vui được chờ đón nhiều nhất trong năm. Có lẽ mỗi người trong chúng ta, ai cũng nhớ đến những cái Tết trong kỉ niệm sum vầy cùng mọi người trong gia đình và bạn bè.  Riêng tôi, ở góc chân trời này lặng lẽ nhìn lại những kỉ niệm đón Tết.
  Ngày ấy những cảnh cùng sum họp gia đình bên bố, mẹ, vợ chồng con cái sao đầm ấm, tuyệt vời là vậy.Cùng dọn nhà, trang hoàng bày biện và  hãnh diện , tự hào biết bao khi nhìn thấy con khoác những bộ quần áo mới với sự trưởng thành .
 Nhưng sự hạnh phúc, vui vầy, đầm ấm không được bao lâu, và mỗi khi Tết về trong tôi lại buồn man mác nỗi cô đơn, lạnh lẽo, tủi phận.
Trong tiếng pháo nổ đón giao thừa, đứng khấn trước mâm cơm giao thừa  lẫn nước mắt tôi  cầu trời và ông bà phù hộ cho tôi được bình an, khỏe mạnh và các con nên người. Cuộc sống quanh tôi  có rất nhiều  yếu tố do  ảnh hưởng  trong cuộc sống , nhưng  tôi rất may mắn khi có các con ở bên. Bọn trẻ giúp tôi sống rất thực tế, tận hưởng từng phút bên các con là điều may mắn kỳ diệu.
Không biết khấn mà tôi nghĩ sao nói vậy, với tâm tư là mong các con học đâu nhớ đấy, học một, biết mười, và thành đạt bằng người.
Tết thường lạnh, buốt nhưng người cô đơn như tôi còn buồn hơn. Chính vì vậy mà tôi sợ Tết lắm.
 Mẹ con tôi thường đón tết cùng nhau, thường ôm nhau trên giường xem phim và trò chuyện. Tôi không muốn tiếp khách, tôi không muốn đi chơi những chỗ đông người. Nơi tôi đến là những nơi thăm mộ người đã khuất, thăm thầy cô giáo cũ. Tôi nhớ có một năm, thầy giáo tặng tôi hai tấm tranh chữ " NHẪN" và chữ " TÂM" rồi giảng cho tôi nghe ý nghĩa của nó.
Thầy bảo vì tôi là Bác sĩ nên cần có TÂM và NHẪN nhé.Chữ TÂM thì em đã có rồi đó, bây giờ em cần thêm chữ nhẫn là thành công.
Trong cuộc sống khi gặp chuyện không may mà không biết nhẫn nhịn thì không tránh khỏi đau đớn. Có nhẫn nhịn mới chuyển nguy thành yên mà bại thành thắng, dữ thành lành.
Nhẫn là đừng cam chịu ôm nhục, tủi nhục, đau đớn  của số mệnh. Mà hãy dùng trí tuệ để thể hiện bản lĩnh mục đích của mình.
Mỗi con người tự tìm cho mình một chữ nhẫn thích hợp theo hoàn cảnh sẽ giúp  cuộc sống có ích hơn.
Tôi tâm nguyện lời thầy dặn, và cũng từ đó tôi buông xả và cũng không cố chấp phiền hận.

 Bởi tôi biết ở bên con cái là điều tuyệt vời nhất, khi chúng còn nhỏ tôi chăm sóc con, đưa chúng đi học, đi chơi và ngủ chung giường với con cái. Khi lớn tôi tâm sự với chúng như bạn, chia sẻ kinh nghiêm, khó khăn để  chúng vượt qua chữ nhẫn. Tôi gieo vào lòng con chữ Tâm thật ngọt ngào của người mẹ như lời tâm sự bảo ban, chứ không hề mệnh lệnh.

Tôi yêu cuộc sống do tôi tạo ra. Và có lẽ vì thế mà tôi tồn tại chăng? và cứ thế "Tết , Tết" lại đến rồi. Một năm mới lại đến . Trong cái lạnh của năm mới, áo quần là lượt, gặp nhau tay bắt mặt mừng, chúc nhau một câu An khang thịnh vượng, sao mà một lời nói ngắn gọn mà chứa đựng biết bao cái tình nồng thắm…


Chữ “An”, một chữ đơn giản nhưng chứa đựng bao điều muốn nói, một cuộc sống an lành, một chỗ an cư trong cuộc sống, một chữ an toàn trong mọi việc… Lạ ở chỗ, chữ “An” không trắc trở, có tính hai mặt những chữ khác mà mọi người vẫn thường hay xin; “Phúc” - ai chẳng thích nhưng “Phúc bất trùng lai”; rồi “Nhẫn” - Nhẫn nại là đáng quý những nhẫn tâm nào có ai mong?...Tôi chúc cho các bạn và người thân của tôi bình an và hạnh phúc.

No comments: