Wednesday, June 9, 2010

Hội chứng về hưu

Hội chứng về hưu


Nhanh chóng vượt qua thay đổi tâm lý, người về hưu sẽ hạnh phúc tận hưởng cuộc sống mới.
Việc để lại công việc cho lớp đàn em để toàn tâm nghỉ ngơi mở ra một bước ngoặt lớn trong đời. Thế nhưng không phải ai cũng thanh thản. Rất nhiều người cao tuổi khi về hưu mắc phải hội chứng về hưu. TS tâm lý Huỳnh Văn Sơn trao đổi xung quanh vấn đề Người cao tuổi và hào quang ngày cũ.
Tâm lý tuổi già sau nghỉ hưu
Gác lại một quãng đời vất vả vì cơm áo gạo tiền, người về hưu được tự do an nhàn làm những điều mình thích. Tiếng cười của gia đình, của bạn bè và những người xung quanh là liều thuốc bổ cho hạnh phúc tuổi già. Thế nhưng không phải ai cũng tìm được cân bằng trong tâm hồn để tận hưởng trọn vẹn cuộc sống.
Mô tả ảnh.
(Ảnh minh họa)
Việt Nam có gần 10% dân số (tương đương 8 triệu người) bị bệnh trầm cảm, trong đó người trên 65 tuổi chiếm 1/3. Theo các bác sĩ khoa Thần kinh Viện Lão khoa Quốc gia, rất nhiều bệnh nhân cao tuổi xuất hiện các biểu hiện trầm cảm sau khi về hưu. Tiếc nuối hào quang ngày tháng cũ là tâm trạng phổ biến ở người cao tuổi sau nghỉ hưu.
Những người hài lòng về công việc, đã chuẩn bị tâm lý đón nhận ngày về hưu sẽ cảm thấy bình an. Ngược lại, người không chấp nhận thay đổi này sẽ bị hội chứng tuổi về hưu. Trước đây họ vận động và làm việc liên tục, còn bây giờ cuộc sống bình lặng, thấy nhàm chán. Họ đã từng có giá trị với người xung quanh.
Trước đây họ lo cho nhiều người, giờ thấy thật vô dụng... Từ đó họ rơi vào thế trầm về mặt cảm xúc (trầm cảm). Tâm trạng ức chế do xa rời công việc và các quan hệ cũ khiến nhiều người mất thăng bằng, thấy giá trị của mình giảm đi. Họ không hình dung được sẽ làm gì sắp tới.
Những vấn đề về sức khỏe
Nhiều người sau khi về hưu gặp cơn sang chấn tâm lý. Họ nhạy cảm hơn, thường mệt mỏi, hay quên, cáu bẳn với mọi người trong gia đình. Họ chán ngán cuộc sống, thường ngủ dài và luôn tiếc nuối. Họ không còn linh hoạt và cũng không chia sẻ tâm sự với ai.
Một người cao tuổi cho biết: Sau khi nghỉ hưu, tôi thường xuyên đau đầu, đau lưng, tay chân nhức mỏi. Vợ con cứ nghĩ tôi “làm nũng” vì đi khám nhiều nơi vẫn không thấy bệnh. Trước đây tôi được đồng nghiệp nể trọng, sau khi nghỉ hưu tôi thấy mình như người thừa. Mỗi ngày tôi ăn sáng ở nhà, uống cà phê rồi đọc báo, xem tivi, mãi vẫn không hết buổi sáng. Chiều, tôi loanh quanh khu phố, nói chuyện với các bạn già nhưng vẫn chán. Tối, tôi đi ngủ sớm để rồi hôm sau lại dậy sớm và không biết làm gì để giết thời gian. Một trường hợp khác: Từ khi nghỉ hưu, tôi suốt ngày ở nhà. Con cháu bận bịu đi làm, đi học nên không ai trò chuyện cùng.
Tận hưởng niềm vui khi về hưu
Muốn thanh thản, con người phải hiểu là ai cũng đến lúc về hưu. Phải có một bước đệm để chuẩn bị tâm lý, như vậy sẽ vượt qua hội chứng về hưu. Những người làm lãnh đạo thả mình một tí, đừng quá cứng nhắc. Cải thiện tâm lý, chuyển từ cột mốc năng động sang nghỉ ngơi. Tạo việc làm mới có ích sẽ thấy mình không bị ì. Hay làm cố vấn cho con cháu, thế hệ đồng nghiệp sau. Chấp nhận và đối diện với sự thật là điều nên làm. Sau khi về hưu, nhiều người không chỉ tìm cơ hội để chơi mà còn tìm việc để làm. Nhiều người trước khi về hưu đã chuẩn bị cho mình một công việc mới như giảng dạy hay tham gia các đề tài nghiên cứu…
Người cao tuổi nên tự xây dựng cho mình những kháng thể thật mạnh bằng cách tích cực tham gia các CLB người cao tuổi, dưỡng sinh, sinh hoạt ngoại khóa, sinh hoạt cộng đồng, ông bà cháu... thường xuyên. Như thế người cao tuổi sẽ có một cuộc sống thoải mái cả về tinh thần lẫn thể chất, cân bằng tâm lý, giải phóng được những xung năng thừa.
Tác động của các thành viên trong gia đình rất quan trọng. Người thân có tác động hợp lý về mặt sinh hoạt, đặt họ vào vị trí cố vấn, hỏi ý kiến trong mọi trường hợp. Từ đó giúp người cao tuổi gạt bỏ tâm lý chán nản, dư thừa. Không khí gia đình đầm ấm, thương yêu lẫn nhau sẽ giúp người cao tuổi vượt qua những khó khăn về mặt tâm lý. Những rối loạn tâm lý sau khi nghỉ hưu sẽ nhanh chóng qua đi để nhường chỗ cho những niềm vui mới.

No comments: